DISC VÀ TÍNH ỨNG DỤNG DISC TRONG QUẢN TRỊ NHÂN SỰ 2024 HIỆU QUẢ

Đăng ngày: 13/07/2024

DISC VÀ TÍNH ỨNG DỤNG DISC TRONG QUẢN TRỊ NHÂN SỰ 2024 HIỆU QUẢ

Trắc nghiệm tính cách DISC được đánh giá là một trong những phương pháp kiểm tra và nhận định chính xác tính cách cũng như hành vi của con người. Để áp dụng DISC một cách khoa học và hiệu quả trong công tác quản lý nhân sự, trước tiên doanh nghiệp cần có kiến thức tổng quan về phương pháp này. Vậy DISC là gì và có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của doanh nghiệp?

Trong bài viết dưới đây, hãy cùng SKYWARD tìm hiểu DISC là gì và cách ứng dụng nó trong quản trị nhân sự hiện đại.

Định nghĩa “DISC” là gì?

DISC là một phương pháp kiểm tra tính cách con người thông qua việc quan sát và nhận biết hành vi của họ. 

Lý thuyết DISC được phát triển bởi William Moulton Marston, một nhà tâm lý học người Mỹ vào năm 1928. Sau đó, Walter Clark tiếp tục phát triển DISC trên cơ sở lý thuyết của Marston và thiết kế bài kiểm tra tính cách DISC đầu tiên vào năm 1956.  

Theo đó, DISC là từ viết tắt của bốn phong cách hành vi chính, đó là: D (Dominance – Sự thống trị), I (Influence – Sự ảnh hưởng), S (Steadiness – Sự ổn định) và C (Compliance – Sự tuân thủ). Như vậy, theo lý thuyết này, tính cách của con người đều nằm trong khuôn mẫu của 4 nhóm hành vi trên. 

Định nghĩa DISC
Định nghĩa DISC

Phân biệt 4 nhóm tính cách trong biểu đồ DISC

Biểu đồ DISC đánh giá cách con người phản ứng trong những hoàn cảnh nhất định và cách họ tác động đến người khác.

Theo đó, 4 nhóm tính cách trong biểu đồ DISC được phát biểu cụ thể như sau:

Phân biệt 4 nhóm tính cách chính trong biểu đồ DISC
Phân biệt 4 nhóm tính cách chính trong biểu đồ DISC

Nhóm D – Người thủ lĩnh (Dominance)

Những cá nhân thuộc nhóm này thường có tính cách năng động, mạnh mẽ, quyết đoán, tự tin và tập trung vào kết quả công việc. Họ thích nói về bản thân hoặc những vấn đề liên quan đến bản thân. Họ có xu hướng sử dụng quyền lực để kiểm soát mọi thứ xung quanh. Bên cạnh đó, họ thường có những hành động và cử chỉ nhanh nhạy, dứt khoát. 

Ưu điểm: 

  • Thường hoàn thành mọi mục tiêu với quyết tâm cao nhằm đạt được hiệu quả cao nhất
  • Luôn tìm kiếm những cơ hội mới và luôn hướng tới tương lai

Nhược điểm:

  • Thường không chú ý đến tiểu tiết  
  • Thường thiếu kiên nhẫn, đòi hỏi phải được đáp ứng ngay lập tức kỳ vọng của bản thân

Nhóm I – Người có sức ảnh hưởng (Influence)

Nhiệt tình, lạc quan, thân thiện, đáng tin cậy, sáng tạo và quan tâm đến mọi người là những đặc điểm tính cách nổi bật của người thuộc nhóm này. Ngoài ra, họ có sức ảnh hưởng lớn và có khả năng thuyết phục cao. Họ thích tham gia vào các cộng đồng, các hoạt động xã hội để được chia sẻ suy nghĩ và tiếp thêm năng lượng cho những người khác. 

Ưu điểm: 

  • Thường nhận được sự yêu mến và tín nhiệm của mọi người trong một cộng đồng nhất định
  • Xây dựng được mạng lưới quan hệ rộng với nhiều mối quan hệ tích cực
  • Đạt được thành công một cách dễ dàng nhờ khả năng giao tiếp và thuyết phục khôn khéo

Nhược điểm:

  • Do quá mong muốn được công nhận bởi người khác nên dễ bị kiểm soát, thao túng, sai khiến
  • Có thể dành quá nhiều thời gian để làm một công việc cụ thể

Nhóm S – Người kiên định (Steadiness)

Người thuộc nhóm này thường có tính cách bình tĩnh, kín đáo, ổn định, chín chắn, kiên nhẫn, có kế hoạch, đáng tin cậy, tận tâm, trách nhiệm và quan tâm đến người khác. Họ thường ít nói, nói nhỏ, và có xu hướng né tránh rủi ro và ngại ngùng trước đám đông. Thay vì vậy, họ thích lắng nghe và tâm sự riêng tư với người khác hơn.

Ưu điểm: 

  • Có khả năng làm việc hiệu quả trong một môi trường ổn định
  • Có khả năng kiểm soát cảm xúc và kiểm soát công việc tốt
  • Được mọi người xung quanh yêu quý và tin tưởng

Nhược điểm:

  • Gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường làm việc linh hoạt và có nhiều biến đổi
  • Không có khả năng cạnh tranh cao 
  • Gặp khó khăn khi phải xử lý nhiều yêu cầu công việc trong cùng một

Nhóm C – Người kỷ luật (Compliance)

Nhóm C gồm những người coi trọng sự chính xác, có xu hướng độc lập cao và thích định hướng rõ ràng. Họ bình tĩnh, cầu toàn, cẩn trọng, ngăn nắp. làm việc có tổ chức và tư duy logic. Ngoài ra, họ là những người ít nói, nói chậm và khả năng diễn đạt không quá xuất sắc.

Ưu điểm: 

  • Luôn tự giác tuân thủ những quy tắc
  • Có kế hoạch làm việc rõ ràng, khoa học
  • Ổn định và đáng tin cậy
  • Luôn đảm bảo hiệu suất cũng như hiệu quả công việc

Nhược điểm:

  • Gặp khó khăn trong các tình huống đòi hỏi sự linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh chóng
  • Gặp khó khăn trong việc đàm phán, thương lượng để đạt được lợi ích chung

Điều đặc biệt là tính cách con người có thể là sự pha trộn của cả 4 nhóm yếu tố này với những mức độ lại khác nhau. Thông thường, chúng ta sẽ nhóm 1 đến 2 yếu tố nổi trội nhất để nói về tính cách của một con người.   

Trong trường hợp có 1 nhóm yếu tố chiếm ưu thế hơn các nhóm còn lại thì đó sẽ tính cách nổi bật của một người. Ví dụ, nhóm S trong tính cách của một người chiếm tới 70% thì người đó sẽ thuộc nhóm S.

Ngược lại, nếu có 2 yếu tố với tỷ lệ tương đương nhau, không cái nào nổi trội hơn hẳn cả 3 cái còn lại thì tính cách của một người sẽ là sự kết hợp của cả 2 nhóm yếu tố ấy. 

Ví dụ, tính cách của một người có 45% nhóm D, 30% nhóm I, 20% nhóm S và 5% nhóm C thì người đó sẽ có tính cách lai giữa nhóm D và I.

Như vậy, có thể chia nhỏ 4 nhóm tính cách trong biểu đồ DISC thành 8 nhóm tính cách kết hợp như dưới đây:

DC: Người thống trị và kỷ luật

DI: Người thống trị và có sức ảnh hưởng

ID: Người có sức ảnh hưởng và thống trị

IS: Người có sức ảnh hưởng và sự ổn định

SI: Người ổn định và có sức ảnh hưởng

SC: Người kiên định và kỷ luật

CS: Người kỷ luật và kiên định

CD: Người kỷ luật và thống trị

8 nhóm tính cách kết hợp trong biểu đồ DISC
8 nhóm tính cách kết hợp trong biểu đồ DISC

Ý nghĩa của DISC đối với cá nhân và doanh nghiệp

Trắc nghiệm tính cách DISC có ý nghĩa quan trọng đối với sự tự nhận thức và phát triển của mỗi cá nhân. Đồng thời, DISC là công cụ đắc lực giúp nhà lãnh đạo thấu hiểu nhân sự, từ đó quản lý và phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng cao cho doanh nghiệp.  

Theo đó, DISC mang lại cho cá nhân và doanh nghiệp những lợi ích cụ thể sau:

Đối với cá nhân

  • Thấu hiểu bản thân: DISC giúp mỗi cá nhân nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu, phong cách giao tiếp và hành vi của bản thân. Từ đó, mỗi người có thể phát huy tối đa tiềm năng, khắc phục hạn chế và xây dựng hình ảnh cá nhân tích cực
  • Cải thiện giao tiếp: Thông qua trắc nghiệm DISC, mỗi người có thể hiểu rõ hơn về phong cách giao tiếp của bản thân và mọi người xung quanh, từ đó lựa chọn cách thức giao tiếp phù hợp, giảm thiểu mâu thuẫn và xung đột trong giao tiếp
  • Phát triển mạng lưới mối quan hệ: Trắc nghiệm DISC giúp cá nhân thấu hiểu tính cách của mọi người xung quanh, từ đó dễ dàng thấu hiểu và đồng cảm với họ. Đồng thời, bằng việc lựa chọn cách thức giao tiếp thông minh và hiệu quả, DISC giúp mỗi người xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với bạn bè, đồng nghiệp, gia đình và đối tác. 
  • Tăng hiệu quả công việc: Trên cơ sở nhận thức rõ bản thân, DISC giúp mỗi người lựa chọn công việc phù hợp với tính cách và khả năng của bản thân, từ đó nâng cao hiệu quả công việc và giảm thiểu căng thẳng

Đối với doanh nghiệp:

  • Tuyển dụng nhân sự phù hợp: DISC giúp nhà tuyển dụng đánh giá chính xác tính cách và phong cách làm việc của ứng viên, từ đó xem xét mức độ phù hợp của họ với yêu cầu công việc và văn hóa doanh nghiệp
  • Đào tạo và phát triển nhân sự: Kết quả kiểm tra tính cách DISC là cơ sở để doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo và phát triển phù hợp với tính cách của từng nhân viên. Từ đó, giúp mỗi nhân viên phát huy tối đa tiềm năng của bản thân và đóng góp vào sự phát triển chung của doanh nghiệp
  • Tăng cường gắn kết trong doanh nghiệp: Bằng việc hiểu rõ tính cách của mình và những người khác, DISC giúp mọi người giao tiếp hiệu quả, thấu hiểu và sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau. Qua đó, giảm thiểu mâu thuẫn và xung đột trong tổ chức, đồng thời tạo dựng một môi trường làm việc thoải mái và tích cực. 
  • Quản lý nhân sự hiệu quả: Hiểu rõ tính cách của mỗi nhân viên sẽ giúp nhà quản lý tối ưu hóa sự phân công công việc, tạo điều kiện cho sự hợp tác hiệu quả và tăng cường hiệu suất làm việc của nhóm

Hướng dẫn cách đọc biểu đồ tính cách DISC

Có bốn cặp phạm trù đối lập mà biểu đồ DISC sử dụng để xác định tính cách con người. Đó là:

  • Chủ động (Direct) – Bị động (Indirect)
  • Hướng về công việc (Task Oriented) – Hướng về con người (People Oriented)

Trên cơ sở này, quá trình xác định tính cách con người được thực hiện trong ba bước dưới đây:

3 bước hướng dẫn đọc biểu đồ DISC
3 bước hướng dẫn đọc biểu đồ DISC

Bước 1: Xác định yếu tố đầu tiên (Chủ động hay bị động)

Trước tiên, cần xác định một người có xu hướng chủ động hay bị động trong cuộc sống. Dưới đây là một số phương pháp để xác định yếu tố này:

  • Chú ý xem liệu đối tượng có chủ động trình bày quan điểm của mình hay chỉ bắt đầu nói khi được hỏi 
  • Trong khi giao tiếp, quan sát xem liệu đối tượng có chủ động dẫn dắt cuộc trò chuyện hay chỉ trả lời một cách ngắn gọn
  • Chú ý đến tốc độ làm việc và mức độ chủ động của đối tượng khi thực hiện những hoạt động khác

Bước 2: Xác định yếu tố thứ hai (Hướng về công việc hay hướng về con người)

Những người hướng về công việc thường có kiến thức chuyên môn sâu rộng và khả năng phân tích dữ liệu một cách logic và chính xác.

Ngược lại, những người có xu hướng hướng về con người thường mang tính cách hòa nhã, dễ gần khi giao tiếp. Họ có thể không xuất sắc trong việc phân tích số liệu hay đưa ra quyết định quan trọng, nhưng lại rất quan tâm đến cảm xúc và suy nghĩ của người khác. Do đó, họ thường bị ảnh hưởng bởi cảm xúc trong quá trình đưa ra quyết định.

Bước 3: Ghép kết quả của 2 bước trên

Dựa vào kết quả từ hai bước trên, ta có thể kết hợp chúng lại để đưa ra kết luận về tính cách của đối tượng. Theo đó, có bốn nhóm kết quả chính, mỗi nhóm đại diện cho một loại tính cách đặc trưng trong biểu đồ DISC:

  • Nhóm 1: Chủ động kết hợp với hướng tới công việc: Đặc điểm này là biểu hiện chính của nhóm D – Những người lãnh đạo
  • Nhóm 2: Chủ động kết hợp với hướng tới con người: Đặc điểm này là biểu hiện chính của nhóm I – Những người ảnh hưởng
  • Nhóm 3: Bị động kết hợp với hướng tới con người: Đặc điểm này là biểu hiện chính của nhóm S – Những người kiên định
  • Nhóm 4: Bị động kết hợp với hướng tới công việc: Đặc điểm này là biểu hiện chính của nhóm C – Những người có tính kỷ luật cao

Ứng dụng DISC trong quản trị nhân sự hiệu quả

Như trên đã đề cập, DISC là công cụ hữu hiệu giúp nhà lãnh đạo khám phá tính cách của nhân viên, từ đó áp dụng những phương pháp phù hợp nhằm tối ưu hiệu quả quản trị nhân sự. Vậy làm thế nào để ứng dụng DISC trong quản trị nhân sự một cách khoa học và hiệu quả?

Ứng dụng DISC trong tuyển dụng nhân sự phù hợp

Trước hết, DISC là một công cụ hữu ích giúp nhà tuyển dụng tìm ra những ứng viên tài năng và phù hợp nhất đối với doanh nghiệp. 

Theo đó, trong quá trình tuyển dụng, nhà tuyển dụng có thể yêu cầu ứng viên làm bài kiểm tra tính cách DISC (gồm 24 đến 28 câu) nhằm đánh giá chính xác tính cách và năng lực của họ. Kết quả bài kiểm tra sẽ là căn cứ quan trọng để nhà tuyển dụng tiến hành những công việc sau:

  • Đánh giá đúng hành vi và tính cách của ứng viên, ví dụ như cách họ tương tác với đồng nghiệp, nhà lãnh đạo, cách họ phản ứng khi tiếp nhận các thông tin quan trọng…
  • Đánh giá khả năng giao tiếp của ứng viên
  • Đánh giá khả năng làm việc nhóm của ứng viên
  • Đánh giá khả năng thích ứng của ứng viên với môi trường làm việc mới
  • Đánh giá mức độ phù hợp của ứng viên với văn hóa công ty
  • Dự đoán cách ứng viên phản ứng trong các tình huống mâu thuẫn, xung đột và cách họ giải quyết chúng, từ đó giảm thiểu các tình huống tiêu cực và xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, đoàn kết
Ứng dụng DISC trong tuyển dụng nhân sự phù hợp
Ứng dụng DISC trong tuyển dụng nhân sự phù hợp

Những đánh giá trên có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giúp nhà tuyển dụng lựa chọn và chiêu mộ được những nhân tài phù hợp với tổ chức.

Ví dụ, nếu doanh nghiệp đang tìm kiếm ứng viên cho vị trí Trưởng phòng Kinh doanh thì những người thuộc nhóm tính cách D (Thống trị) hay C (Kỷ luật) sẽ là những ứng viên tiềm năng.

Nếu doanh nghiệp đang tuyển dụng ứng viên cho vị trí nhân viên bán hàng thì những người thuộc nhóm I (Ảnh hưởng) với khả năng giao tiếp và thuyết phục hiệu quả sẽ là những ứng viên phù hợp.

>>> ĐỌC THÊM: 7 PHƯƠNG PHÁP GIÚP PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG QUẢN TRỊ HIỆU QUẢ

Ứng dụng DISC trong quản lý và phát triển nhân sự hiệu quả

Bên cạnh tuyển dụng, DISC là một công cụ đắc lực giúp nhà lãnh đạo quản lý và phát triển nhân sự hiệu quả. Trong đó, nhà lãnh đạo có thể sử dụng trắc nghiệm DISC để đánh giá tính cách của nhân viên, từ đó áp dụng phương pháp quản lý nhân sự phù hợp với từng cá nhân, đồng thời xây dựng và quản lý đội nhóm hiệu quả. 

Ứng dụng DISC trong quản lý và phát triển nhân sự
Ứng dụng DISC trong quản lý và phát triển nhân sự

Thấu hiểu tính cách của nhân viên

Việc thấu hiểu tính cách của nhân viên là bước quan trọng nhất mà nhà quản lý cần thực hiện nếu muốn quản lý nhân sự hiệu quả. Để làm được điều này, nhà quản lý có thể sử dụng các bài kiểm tra tính cách DISC hoặc tăng cường quan sát, trò chuyện với nhân viên để hiểu rõ hơn về cách họ phản ứng trong các tình huống nhất định. Theo đó, nhà quản lý sẽ hiểu rõ hơn về sở thích, điểm mạnh, điểm yếu, phong cách làm việc của từng cá nhân trong tổ chức.

Sau khi thu thập đầy đủ thông tin về tính cách của từng nhân viên theo mô hình DISC, nhà quản lý có thể tạo ra hồ sơ cá nhân riêng cho từng nhân viên. Đây là căn cứ quan trọng để tiến hành xây dựng kế hoạch quản lý và phát triển nhân sự sau này.

Quản trị nhân sự theo phương pháp cá nhân hóa

Một trong những ứng dụng nổi bật của trắc nghiệm tính cách DISC là nó cho phép nhà lãnh đạo phát triển kế hoạch quản trị cá nhân hóa khoa học và hiệu quả. Nói cách khác, quản trị theo hướng cá nhân hoá nghĩa là áp dụng các phương pháp quản lý linh hoạt với từng đối tượng khác nhau, đảm bảo phù hợp với tính cách và năng lực của họ. Qua đó, tạo điều kiện để nhân viên phát huy tối đa điểm mạnh của bản thân và khắc phục những điểm yếu có thể gây cản trở quá trình làm việc. 

Theo đó, đối với mỗi nhóm tính cách khác nhau, nhà lãnh đạo có thể áp dụng những phương pháp quản lý phù hợp như sau: 

Đối với người thuộc nhóm tính cách D (Người thống lĩnh):

  • Tạo cho người thuộc nhóm D cảm giác họ là người đứng đầu
  • Tránh sắp xếp hai người có tính cách S trong cùng một nhóm để hạn chế sự tranh giành quyền lực
  • Trao cho người thuộc nhóm này những quyền hạn nhất định, chẳng hạn như quyền quản lý nhóm
  • Luôn tìm cách khen ngợi, ghi nhận thành tựu và động viên họ
  • Không nên dò xét quá chi tiết cách thức làm việc của người thuộc nhóm này
  • Thường xuyên đề xuất những thay đổi mới trong môi trường làm việc và khuyến khích họ giải quyết các thách thức mới

Đối với người thuộc nhóm tính cách I (Người có sức ảnh hưởng)

  • Khuyến khích người thuộc nhóm I mạnh dạn trình bày ý kiến, quan điểm cá nhân trong các cuộc họp
  • Luôn thể hiện sự tôn trọng và hưởng ứng các ý kiến của người thuộc nhóm I
  • Tránh quản lý áp đặt với người thuộc nhóm này
  • Quan tâm chăm sóc đời sống tinh thần của nhân viên thuộc nhóm này
  • Hạn chế giao cho họ những nhiệm vụ nhàm chán, lặp đi lặp lại
  • Tạo điều kiện để họ tham gia các hoạt động tập thể của doanh nghiệp
  • Thường xuyên khen ngợi, tôn vinh những cá nhân thuộc nhóm này

Đối với người thuộc nhóm tính cách S (Người kiên định)

  • Giải thích rõ ràng và chi tiết những yêu cầu và nhiệm vụ công việc đối với người thuộc nhóm S
  • Cung cấp đầy đủ thông tin và số liệu cần thiết sẽ giúp người thuộc nhóm này làm việc hiệu quả hơn
  • Đảm bảo tính khả thi và an toàn cao khi thực hiện một dự án vì người thuộc nhóm này có xu hướng e ngại rủi ro
  • Tránh chỉ trích hay phản ứng quá gay gắt với người thuộc nhóm S
  • Thể hiện sự quan tâm chân thành và sự ngưỡng mộ đối với đức tính kiên trì của người thuộc nhóm này

Đối với người thuộc nhóm C (Người tuân thủ)

  • Người thuộc nhóm C không thích sợ sơ sài, thiếu logic, vì vậy hãy giải thích rõ ràng và cặn kẽ các đề xuất trong công việc đối với người thuộc nhóm này
  • Cung cấp các dữ liệu được phân tích chi tiết để đảm bảo người thuộc nhóm C sẽ thực hiện công việc tốt nhất
  • Hãy dành thời gian cho người thuộc nhóm này suy nghĩ và phản biện bởi họ có xu hướng phân tích sâu vấn đề nên tốn khá nhiều thời gian
  • Tôn trọng những nguyên tắc làm việc riêng của người thuộc nhóm này
  • Tránh thúc giục người nhóm C vì họ không thích vội vàng, gấp gáp
  • Cẩn trọng khi hỏi về những thứ mà nhà quản lý muốn người thuộc nhóm này giải thích

Xây dựng và quản lý nhóm hiệu quả

Trên cơ sở hiểu rõ tính cách của mỗi thành viên trong tổ chức, quản lý có thể tạo ra sự hợp tác tích cực giữa các cá nhân nhằm đem lại hiệu quả làm việc cao nhất. Để làm được điều này, nhà quản lý có thể sắp xếp các nhân viên có tính cách phù hợp thành những đội, nhóm riêng để tạo ra sự cân bằng và đạt hiệu quả hợp tác cao. 

Ví dụ, trong một nhóm, người có tính cách thuộc nhóm D sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo. Người có tính cách thuộc nhóm I sẽ đảm nhận các công việc liên quan giao tiếp, đối ngoại. Người thuộc nhóm S sẽ có trách nhiệm hỗ trợ công việc và người thuộc nhóm C sẽ đảm bảo mọi hoạt động trong nhóm diễn ra theo đúng kế hoạch và nguyên tắc.

Giảm thiểu xung đột, tăng cường gắn kết nhân viên

Một trong những nguyên chính gây ra mâu thuẫn và xung đột trong tổ chức bắt nguồn từ sự khác biệt trong tính cách của mỗi người. Vì vậy, trắc nghiệm DISC cho phép các thành viên trong nhóm hiểu rõ hơn về tính cách của nhau, từ đó tìm ra cách thức giao tiếp hiệu quả và tăng cường gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau. 

Đồng thời, hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn và tính cách của các cá nhân liên quan sẽ giúp nhà quản lý đưa ra phương án giải quyết phù hợp khi xảy ra xung đột trong tổ chức. 

Ví dụ, nhân viên A có tính cách thuộc nhóm D (Thống trị), trong khi nhân viên B có đặc điểm tính cách thuộc nhóm C (Kỷ luật). Trong quá trình làm việc nhóm, nhân viên A có xu hướng áp đặt và tự đưa ra những quyết định quan trọng, thường xuyên thay đổi kế hoạch làm việc khiến nhân viên B cảm thấy không được tôn trọng và khó thích nghi với những thay đổi mới. 

Trong trường hợp này, nhà quản lý có thể sử dụng trắc nghiệm DISC để đánh giá tính cách của hai nhân viên, từ đó tìm ra nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn.

Tiếp theo, quản lý có thể trao đổi riêng với từng nhân viên và giải thích cho họ hiểu về tính cách, điểm mạnh và điểm yếu của từng người dựa trên kết quả trắc nghiệm DISC.

Trên cơ sở đó, quản lý có thể hướng dẫn hai nhân viên cách thức giao tiếp hiệu quả với nhau, chẳng hạn như:

  • Nhân viên A cần tôn trọng ý kiến của nhân viên B và tham khảo ý kiến của đối phương trước khi đưa ra quyết định
  • Nhân viên B cần cởi mở hơn hơn trong việc bày tỏ quan điểm cá nhân và sẵn sàng đón nhận những thay đổi mới cũng như tăng cường khả năng thích ứng linh hoạt với các tình huống  

Bên cạnh đó, nhà quản lý cũng có thể đề nghị hai nhân viên cùng nhau xây dựng một bộ quy tắc giao tiếp và ứng xử chung để cả hai đều cảm thấy thoải mái trong quá trình hợp tác làm việc.

Những lưu ý khi ứng dụng trắc nghiệm DISC trong quản lý nhân sự
Những lưu ý khi ứng dụng trắc nghiệm DISC trong quản lý nhân sự

>>> ĐỌC THÊM: MBTI VÀ PHƯƠNG PHÁP ỨNG DỤNG MBTI TRONG QUẢN TRỊ NHÂN SỰ HIỆU QUẢ

Những lưu ý khi sử dụng trắc nghiệm DISC trong quản lý nhân sự

Trắc nghiệm DISC là một công cụ hữu ích để đánh giá tính cách và hành vi của nhân viên. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo cần sử dụng nó một cách cẩn trọng và có trách nhiệm để tránh gây ra những tác động tiêu cực. Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng DISC trong quản trị nhân sự:

  • Giải thích rõ ràng về mục đích và cách thức sử dụng bài kiểm tra DISC cho nhân viên: Lãnh đạo cần giải thích cho nhân viên hiểu rằng trắc nghiệm DISC chỉ là một công cụ tham khảo để đánh giá tính cách của họ chứ không phải để đánh giá năng lực hay phẩm chất đạo đức. Ngoài ra, cần nhấn mạnh rằng thông tin cá nhân trong bài kiểm tra DISC sẽ được bảo mật tuyệt đối để nhân viên cảm thấy thoải mái và tự tin khi tham gia bài kiểm tra tính cách
  • Sử dụng kết quả trắc nghiệm DISC một cách khách quan và tôn trọng: Lãnh đạo cần lưu ý không sử dụng kết quả trắc nghiệm tính cách DISC để phân biệt đối xử với nhân viên mà cần tôn trọng sự đa dạng và khác biệt trong tính cách của họ. Ngoài ra, lãnh đạo cần sử dụng kết quả DISC để giúp nhân viên phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu của họ
  • Sử dụng kết quả trắc nghiệm DISC một cách có đạo đức và trách nhiệm: Lãnh đạo không được lợi dụng trắc nghiệm tính cách DISC để xâm phạm quyền riêng tư của nhân viên. Đồng thời, không sử dụng DISC để thao túng tâm lý, áp đặt hoặc kiểm soát nhân viên
  • Kết hợp trắc nghiệm DISC với các phương pháp kiểm tra tính cách khác: Trắc nghiệm tính cách DISC không đem lại kết quả chính xác tuyệt đối mà chỉ mang ý nghĩa tham khảo. Vì vậy, bên cạnh DISC, lãnh đạo cần kết hợp các phương pháp đánh giá khác như phỏng vấn, quan sát hành vi, đánh giá hiệu quả công việc để có cái nhìn toàn diện về tính cách của nhân viên
  • Đào tạo nhà quản lý về cách thức sử dụng trắc nghiệm DISC: Nhà quản lý cần được trang bị đầy đủ kiến thức về trắc nghiệm tính cách DISC cũng như biết cách sử dụng DISC một cách hiệu quả. Đồng thời, quản lý cần được bồi dưỡng thêm kiến thức về tâm lý học và hành vi để có những đánh giá chính xác về tính cách nhân viên

Tổng kết

Như vậy, bài viết đã cung cấp kiến thức tổng quan về DISC – một phương pháp đáng tin cậy mà doanh nghiệp có thể sử dụng để nhận diện tính cách và hành vi của nhân viên. Từ đó, chủ doanh nghiệp sẽ có hiểu biết đầy đủ về phương pháp DISC là gì, cách đọc biểu đồ DISC và cách phân loại tính cách của từng nhân viên. Đồng thời, bài viết cũng hướng dẫn chi tiết cách ứng dụng DISC một cách linh hoạt trong hoạt động quản trị nhân sự. Trên cơ sở đó, SKYWARD hy vọng rằng, chủ doanh nghiệp có thể ứng dụng DISC thành công nhằm tối ưu hiệu quả quản trị nhân lực, từ đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp. 

Truy cập vào Fanpage Skyward để theo dõi thêm các hoạt động của công ty nhé!

Bài đọc nhiều

Học cách biết ơn và trân trọng cuộc sống

Thứ bảy, 13 Tháng bảy 2024

Học cách biết ơn và trân trọng cuộc sống

“Chỉ có 2 cách để sống cuộc đời của bạn. Một là coi những phép màu không có thật. Hai là coi mọi thứ đến với mình như một phép màu.” – Albert Einstein. Hãy học cách biết ơn và trân trọng những gì cuộc sống mang đến cho bạn ngay lúc này. Lòng biết [...]

Khi chăm chỉ cũng là một chỉ số may mắn

Thứ năm, 14 Tháng mười hai 2023

Khi chăm chỉ cũng là một chỉ số may mắn

ạn đang làm việc thông minh hay làm việc chăm chỉ? Đâu là lựa chọn tốt nhất? Hãy lắng nghe câu chuyện sau để rút kinh nghiệm cho chính mình nhé. “Em có năng lực nhưng đừng chỉ làm việc như một chú ong thợ chăm chỉ. Một chút sáng tạo sẽ giúp em đi [...]

“Tiếng nói chung” Chuyện Muôn Thuở giữa Lính và Sếp

Thứ năm, 14 Tháng mười hai 2023

“Tiếng nói chung” Chuyện Muôn Thuở giữa Lính và Sếp

Bạn đã từng cảm thấy khó chịu, bực bội, hoặc thất vọng trong quá trình làm việc với sếp của mình chưa? Bạn có thấy rằng sếp không hiểu bạn, không tôn trọng bạn, hoặc không công bằng với bạn? Có lẽ bạn mong muốn có một sếp tốt hơn, người có “tiếng nói chung” [...]

Drama chốn công sở

Thứ năm, 21 Tháng mười hai 2023

Drama chốn công sở

Chốn văn phòng hay thâm cung nội chiến? Với hơn 200 giờ khai vấn như vậy, chắc chắn chị đã được lắng nghe rất nhiều chia sẻ từ những người đi làm. Vậy đâu là vấn đề chị thường xuyên nghe các bạn đề cập vậy ạ? Nhóm đối tượng khách hàng mà mình thường [...]